Trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá gồm một số nội dung cơ
bản như sau: về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương
trong Phòng, chống tác hại thuốc lá (Điều 6) đưa nội dung phòng, chống tác hại
thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc tại nơi làm
việc vào quy chế nội bộ; đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám
tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; gương mẫu thực hiện và vận động
cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng,
chống tác hại của thuốc lá.
Quy định quyền và nghĩa vụ của công dân trong Phòng, chống tác
hại thuốc lá (điều 7) gồm người dân được sống, làm việc trong môi trường không
có khói thuốc lá; được yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc tại địa điểm
có quy định cấm hút thuốc; được vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng
thuốc lá, cai nghiện thuốc lá; được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm
quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút
thuốc; được phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành
vi hút thuốc tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc.
Các hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong Luật (Điều 9) gồm
sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được
thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán,
tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu; quảng cáo, khuyến
mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình
thức; tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp
tài trợ nhân đạo cho chương trình xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống thiên tai,
dịch bệnh, thảm họa; phòng, chống buôn lậu thuốc lá và không được thông báo
trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ đó; người chưa đủ 18 tuổi
sử dụng, mua, bán thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá;
bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; bán thuốc lá bằng máy bán
thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; sử dụng hình
ảnh thuốc lá trên báo chí xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em; vận động, ép
buộc người khác sử dụng thuốc lá.
Quy định nghĩa vụ của người hút thuốc lá (Điều 13) gồm không hút
thuốc tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc; không hút thuốc lá trong nhà khi
có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi; giữ vệ sinh chung, bỏ
tàn, mẩu thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được
phép hút thuốc lá.
Quy định quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý
địa điểm cấm hút thuốc (Điều 14) gồm có quyền buộc người vi phạm chấm dứt việc
hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy
định của pháp luật; yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ
sở của mình; từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định
cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở. Có
trách nhiệm tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện
đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành;
treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc
lá.
Quy định về việc bán thuốc lá (Điều 25) gồm có không được bán
thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, THCS, THPT,
viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y
tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100 mét tính từ ranh giới khuôn viên gần
nhất của cơ sở đó.
Xử phạt vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá
(Điều 31): Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về
phòng, chống tác hại của thuốc lá thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị
xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi
thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách
nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Việc xử lý vi phạm hành chính trong
lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá được thực hiện theo quy định của
pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Có thể nói, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được Quốc
hội ban hành đảm bảo tính khoa học, tính pháp lý, phù hợp với thực tiễn và phù
hợp với Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới. Luật
Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước
ta về phòng, chống tác hại thuốc lá, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công
tác phòng, chống tác hại thuốc lá trong giai đoạn hiện nay, góp phần hạn chế
bệnh tật liên quan đến hút thuốc lá. Chúng ta tin tưởng rằng, Luật Phòng, chống
tác hại thuốc lá đã và đang đi vào thực tiễn cuộc sống, được người dân đồng
tình ủng hộ và ngày càng góp phần đáng kể cho công tác bảo vệ và nâng cao sức
khỏe nhân dân./.