quy định trong công tác về quản lý hoạt động giết mổ động vật nhỏ lẻ

Phụ lục

NỘI DUNG TÀI LIỆU THAM KHẢO TUYÊN TRUYỀN VỀ NHỮNG QUY ĐỊNH TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ  HOẠT ĐỘNG GIẾT MỔ NHỎ LẺ

( Kèm theo Văn bản số:       /UBND-TTDVNN ngày        /9/2024 của UBND thành phố)

 


Căn cứ Luật an toàn thực phẩm năm 2010, Luật Thú y năm 2015 và các Nghị định, Thông tư quy định về quản lý, điều kiện vệ sinh thú y trong hoạt động giết mổ động vật nhỏ lẻ như sau:

I. VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH GIẾT MỔ

1. Yêu cầu đối với giết mổ động vật trên cạn để kinh doanh

Căn cứ khoản 2 Điều 64 của Luật Thú y:

Việc giết mổ động vật phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ động vật tập trung bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thú y.

 Trường hợp tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung thì việc giết mổ động vật được thực hiện tại cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ và phải đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật Thú y.

2. Về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Kinh doanh giết mổ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (quy định tại khoản 2, Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020) và phải đăng ký với Phòng tài chính - Kế hoạch cấp huyện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Điều 16; Điều 79 đến Điều 94 của Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

3. Yêu cầu điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ

Căn cứ khoản 2, Điều 69 của Luật Thú y, việc giết mổ động vật được thực hiện tại cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ phải đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y quy định:

- Địa điểm phải tách biệt với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;

- Trang thiết bị, dụng cụ phù hợp để giết mổ, không gây độc hại, ô nhiễm cho sản phẩm động vật;

- Có đủ nước bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y phục vụ cho việc giết mổ động vật;

- Có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Người trực tiếp tham gia giết mổ động vật phải tuân thủ quy định về sức khỏe và thực hiện các quy trình vệ sinh trong quá trình giết mổ.

II. PHƯƠNG THỨC QUẢN LÝ ĐỐI VỚI CƠ SỞ GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT NHỎ LẺ

Quản lý theo hình thức ký cam kết theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp quản lý thực hiện theo Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 17/4/2019 của UBND tỉnh, về việc ký cam kết, kiểm tra việc thực hiện các nội dung cam kết về chấp hành quy định của pháp luật đối với các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, trách nhiệm quản lý như sau:

Trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố:

Căn cứ khoản 5, Điều 7 tại Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 17/4/2019 của UBND tỉnh, về phân cấp quản lý điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, cụ thể:

- Giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phòng kinh tế thành phố làm đầu mối tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định về quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo phân cấp. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn theo phân cấp thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và tổng hợp báo cáo theo quy định.

- Giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; xây dựng kế hoạch kiểm tra và kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- Lưu trữ có hệ thống các hồ sơ liên quan đến hoạt động kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- Thông báo danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP không chấp hành nội dung cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo phân cấp trên phương tiện thông tin đại chúng địa phương.

- Phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình thực hiện các hoạt động về quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quản lý.

- Cập nhật, rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý trên địa bàn về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản) theo quy định.

III. CÁC TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT, QUY TRÌNH GIẾT MỔ

 Căn cứ Điều 10, Điều 11, Điều 19, Điều 20 Luật An toàn thực phẩm; Điều 69 Luật Thú y và các quy định đánh giá thực tế điều kiện vệ sinh thú y, điều kiện an toàn thực phẩm trong hoạt động giết mổ động vật nhỏ lẻ như sau:

1. Về địa điểm sản xuất

- Toàn bộ khu vực giết mổ và khu vực phụ trợ phải nằm tách biệt với các nguồn ô nhiễm như nhà vệ sinh của gia đình và các hộ xung quanh, chuồng nuôi động vật, bệnh viện, nghĩa trang... nhằm tránh bị ô nhiễm cho sản phẩm.

- Không bị đọng nước, ngập nước.

2. Kết cấu nhà xưởng, bố trí sản xuất

- Kết cấu vững chắc, phù hợp với quy mô giết mổ động vật.

- Khu vực sản xuất: được bố trí phù hợp với quy trình giết mổ động vật để hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm chéo, thuận lợi cho hoạt động giết mổ động vật và làm vệ sinh.

- Nơi nuôi giữ động vật chờ giết mổ: phải có đủ diện tích, có mái che, nền sàn được làm bằng các vật liệu bền nhẵn, chống trơn trượt, dễ thoát nước, dễ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; bảo đảm cung cấp đủ nước cho gia súc, gia cầm uống.

- Khu vực giết mổ: Mái hoặc trần được làm bằng vật liệu bền; Tường phía trong được làm bằng vật liệu chắc chắn, bền, chịu nhiệt, nhẵn, chống ẩm mốc, dễ vệ sinh và khử trùng; chân tường, nơi tiếp giáp giữa mặt sàn và góc cột được xây tròn hay ốp nghiêng; Sàn được làm bằng vật liệu bền, không thấm nước, chống trơn trượt, dễ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; thiết kế dốc về phía hệ thống thu gom chất thải, bảo đảm thoát nước tốt và không đọng nước trên sàn.

+ Đối với cơ sở giết mổ gia súc: Có móc treo hoặc giá đỡ bảo đảm thân thịt cao hơn mặt sàn ít nhất 0,3m; nếu lấy phủ tạng trên bệ mổ, bệ phải cao hơn sàn ít nhất 0,4m; nơi làm sạch lòng, dạ dày phải tách biệt với nơi để tim, gan, thận và thịt để tránh làm lây nhiễm chéo.

+ Đối với cơ sở giết mổ gia cầm: Trang thiết bị cho việc lấy phủ tạng khỏi thân thịt, phải bảo đảm thân thịt và phủ tạng không được tiếp xúc trực tiếp với nền sàn.

3. Trang thiết bị sản xuất

- Có đủ trang thiết bị phục vụ việc giết mổ, chứa đựng, pha lóc và vận chuyển gia súc, gia cầm và thịt gia súc, gia cầm; được thiết kế, chế tạo phù hợp, bảo đảm an toàn thực phẩm và trong tình trạng vệ sinh, bảo trì tốt.

- Bề mặt các thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm được làm bằng vật liệu bền, nhẵn, không thấm nước, dễ làm sạch, không ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm.

4. Vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị

- Sử dụng chất tẩy rửa có nhãn mác rõ ràng;

- Khu vực giết mổ phải được vệ sinh, thu gom chất thải rắn sau mỗi ca giết mổ và định kỳ khử trùng, tiêu độc;

- Dao và dụng cụ cắt thịt được bảo quản ở nơi quy định trong cơ sở giết mổ; được rửa sạch, khử trùng trước và sau khi sử dụng.

5. Người trực tiếp sản xuất, vệ sinh công nhân

- Phải có Giấy xác nhận về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế; những người đang mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da trong danh mục do Bộ Y tế quy định không được trực tiếp tham gia giết mổ động vật.

- Được phổ biến, hướng dẫn về thực hành quy trình giết mổ động vật bảo đảm vệ sinh thú y.

- Thực hiện yêu cầu vệ sinh cá nhân trong cơ sở giết mổ như mang bảo hộ lao động, không mang trang sức, ăn uống, khạc nhổ và rửa tay bằng xà phòng trong khu vực giết mổ.

6. Nguyên liệu và các yếu tố đầu vào sản xuất thực phẩm

- Nước sử dụng: Nguồn nước cung cấp cho tất cả các hoạt động giết mổ như làm sạch và vệ sinh phải đủ về số lượng, nhiệt độ và áp suất; Nước sử dụng cho các hoạt động giết mổ và làm sạch được lấy từ nguồn nước máy hoặc giếng đào, giếng khoan. Giếng phải bảo đảm: Giếng đào không bị ngập lụt vào mùa mưa, thành giếng cao hơn mặt đất ít nhất 0,5m, có nắp đậy; giếng khoan cách xa nguồn gây ô nhiễm như chuồng nuôi động vật, bãi chôn lấp rác, nơi xử lý phân gia súc, gia cầm.

- Động vật đưa vào giết mổ: Có nguồn gốc rõ ràng, cụ thể như sau: Có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh (đối với động vật có nguồn gốc từ địa bàn tỉnh khác); có các giấy tờ như hóa đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán, Giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc các giấy tờ tương đương khác. Động vật đưa vào giết mổ phải khỏe mạnh, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; đối với động vật bị tổn thương, kiệt sức do quá trình vận chuyển, không có khả năng phục hồi nhưng không có triệu chứng lâm sàng của bệnh truyền nhiễm được phép giết mổ trước.

  7. Phòng, chống động vật gây hại và xử lý chất thải, nước thải

- Có biện pháp ngăn chặn và tiêu diệt hiệu quả động vật gây hại.

- Biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường như sau: (1)Thùng đựng phế phụ phẩm có nắp đậy, được thu dọn thường xuyên sau giết mổ; (2) Có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn bằng một trong các hình thức: Hầm biogas, hố sinh học, bể hoại, bể lắng; (3) Rãnh thoát nước thải phải có nắp đậy và bảo đảm thoát hết nước cần thải sau hoạt động giết mổ hàng ngày.

8. Điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP

- Thực hiện quy trình giết mổ bao gồm trình tự, thao tác từ khi gây choáng, lấy tiết, nhúng nước nóng, cạo/đánh lông, rửa, lột phủ tạng, làm sạch, pha lóc đúng kỹ thuật, bảo đảm an toàn thực phẩm, không bị lây nhiễm chéo vào thân thịt.

- Đối xử nhân đạo với vật nuôi trong giết mổ: Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ. Hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi. Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng      kiến đồng loại bị giết mổ.

9. Ghi chép và truy xuất nguồn gốc

- Có sổ ghi chép nguồn gốc, số lượng gia súc, gia cầm được đưa vào cơ sở để giết mổ.

- Có sổ ghi chép số lượng thịt gia súc, gia cầm; tên, địa chỉ hộ kinh doanh được cung cấp thịt gia súc, gia cầm.

IV. YÊU CẦU VỆ SINH THÚ Y ĐỐI VỚI CƠ SỞ KINH DOANH SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT

Căn cứ Điều 72 của Luật Thú y quy định:

- Phương tiện bày bán, vật dụng chứa đựng sản phẩm động vật phải được làm bằng vật liệu không gỉ, không làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm, dễ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc;

- Có biện pháp bảo quản thích hợp để sản phẩm động vật không bị mất an toàn thực phẩm, biến chất;

- Địa điểm và vật dụng dùng trong kinh doanh sản phẩm động vật phải được vệ sinh sạch trước, trong và sau khi bán, định kỳ khử trùng, tiêu độc;

- Kho, thiết bị bảo quản sản phẩm động vật phải tuân thủ các quy định theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng;

- Nước thải, chất thải trong quá trình kinh doanh sản phẩm động vật phải được xử lý bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

V. NHỮNG QUY ĐỊNH XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT

Căn cứ Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y; Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2021 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung nghị định 90/2017/NĐ-CP; Nghị định 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi; Nghị định 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y, chăn nuôi.

Tại Điều 20: Vi phạm về vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không lập sổ sách, ghi chép, lưu giữ thông tin để truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi giết mổ động vật trên cạn trong Danh mục động vật thuộc diện phải kiểm soát giết mổ nhưng không được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện kiểm soát giết mổ trừ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ ở khu vực hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành yêu cầu của nhân viên thú y về xử lý động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ.

4. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

5. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển động vật chết, sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh.

6. Phạt tiền từ 60% đến 70% giá trị sản phẩm động vật nhưng không vượt quá 50.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y.

7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Giết mổ động vật, thu hoạch động vật thủy sản, sản phẩm động vật dùng làm thực phẩm trước thời gian ngừng sử dụng thuốc thú y không theo hướng dẫn sử dụng;

b) Đưa nước hoặc các loại chất khác vào động vật trước khi giết mổ.(đã

bãi bỏ bởi khoản 2 Điều 46 Nghị định 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021)

8. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi ngâm, tẩm hóa chất vào sản phẩm động vật.

9. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật có chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, thú y; (cụm từ “chăn nuôi” được sửa đổi là “chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản” tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020)

b) Giết mổ động vật mắc bệnh, kinh doanh sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh theo quy định.

10. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền.

(được sửa đổi bởi điểm a khoản 8 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 như sau  “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền”)

11. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh, lưu giữ, giết mổ động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi;

(cụm từ “chăn nuôi” được sửa đổi là “chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản” tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020)

 12. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, khoản 9 và khoản 11 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều này; (được sửa đổi tại điểm b khoản 8 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 như sau: “Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 7, khoản 8 và khoản 9 Điều này”)

c) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 10 và khoản 11 Điều này

13. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phải kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này. Trong trường hợp kiểm tra vệ sinh thú y không đạt yêu cầu buộc phải tiêu hủy hoặc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này;

b) Buộc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 7 và khoản 8 Điều này;

c) Buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, khoản 9 và khoản 11 Điều này;

(điểm này được sửa đổi bởi điểm c khoản 8 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 như sau: “ Buộc tiêu huỷ động vật, sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, khoản 9, khoản 10 và khoản 11 Điều này”)

d) Buộc tạm dừng giết mổ động vật bị sử dụng thuốc an thần trước khi giết mổ cho đến khi có kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm; buộc tiêu hủy sản phẩm động vật có dư lượng thuốc an thần vượt quá giới hạn do Bộ Y tế quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 10 Điều này. (điểm này bị bãi bỏ bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020).

Tại Điều 21. Vi phạm về vệ sinh thú y đối với giết mổ động vật nhỏ lẻ; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật nhỏ lẻ

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi người trực tiếp tham gia giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật không bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế và vệ sinh thú y trong quá trình thực hiện. (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 3 Nghị định 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ như sau: “ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi người trực tiếp tham gia giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật không bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế và vệ sinh thú y trong quá trình thực hiện.”)

 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi trang thiết bị, dụng cụ, nước sử dụng không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y trong quá trình giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật.

Tại Điều 23. Vi phạm vệ sinh thú y trong vận chuyển động vật, sản phẩm động vật

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Vận chuyển động vật, sản phẩm động vật bằng phương tiện không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y;

b) Vật dụng chứa đựng, bảo quản sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y.

 2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thu gom, xử lý nước thải, chất thải trong quá trình vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

Tại Điều 25. Vi phạm vệ sinh thú y đối với kinh doanh sản phẩm động vật

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng phương tiện bày bán, dụng cụ chứa đựng sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y;

b) Không thực hiện vệ sinh vật dụng trước và sau khi bán hoặc không khử trùng, tiêu độc định kỳ.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng kho, thiết bị bảo quản sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y.

Trên đây là nội dung tài liệu Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Bình xin cung cấp để các địa phương tham khảo, áp dụng triển khai trong công tác quản lý hoạt động giết mổ động vật nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh.

  • Từ khóa :
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

 
 

UBND Phường Nam Sơn - Thành Phố Tam Điệp

Địa chỉ: Ngõ 1260, đường Quang Trung, tổ 9 phường Nam Sơn

Điện thoại: 02293 864 127