DANH LAM THẮNG CẢNH NAM SƠN

Với kiến tạo địa hình núi non trùng điệp như những con sóng biển lớp lớp dâng trào đã tạo ra cho vùng đất Nam Sơn một vẻ đẹp lạ thường. Vẻ đẹp ấy đã làm ngây ngất những người khách viễn phương, làm rung động tâm hồn những thi hào dân tộc. Hồ Xuân Hương "Bà chúa thơ nôm" đã từng đi qua đây và tràn đầy cảm xúc với bài thơ Đường luật:

                              Đèo Ba Dội                  

                   Một đèo, một đèo lại một đèo.

                   Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo...

          Thi hào Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều bất hủ cũng có một bài thơ nói về Tam Điệp. Đó là bài "Tái du Tam Điệp sơn" mà ngày nay đã hơn 200 năm trôi qua, người đọc vẫn có cái cảm xúc của một tâm hồn vĩ đại trước cảnh đẹp tuyệt vời. Bài thơ được viết bằng chữ Hán:

Dịch thơ:

Lại vượt đèo Ba Dội

          Chạm mây núi Ba Dội

          Người viễn khách lại qua

          Trong mắt thu đất lớn

Ngoài khơi thấy thuyền xa

Sương tan đồi núi trọc

Trời lạnh cây cỏ già

Bao chồn khách ngoảnh lại

Càng thêm nhớ quê nhà

          Theo như lời bình của Trương Chính và Phùng Khắc Hoan, người đã dịch bài thơ này thì đây có lẽ là một lời tiên đoán tài tình của cụ Nguyễn Tiên Điền hơn hai thế kỷ trước về tương lai sán lạn của vùng đất này. Bởi vì trong hàng nghìn bài thơ chữ Hán của mình, đây là trường hợp duy nhất tác giả dùng cụm từ "đại địa" (đất lớn).

          Năm 1842, Vua Thiệu Trị trong chuyến kinh lý Bắc Hà lần đầu tiên đã dừng chân trên đỉnh đèo Tam điệp và cho khắc vào bia đá một bài thơ thất ngôn bát cú bằng chữ  Hán hiện còn lưu giữ đến bây giờ.

          Phiên âm:

                          Quá Tam Điệp sơn

                   Đương lộ sầm khâm tích thuý nùng

                   Tầng tầng túng bộ khoá cù long

                   Bất vi Vương Ôc không lưu kính

                   Cánh tác La Phù thặng biệt tung

                   Viễn nhạ tưởng phùng lâm nhất đính

                   Cao phan điệt xuất thượng trùng phong

                   Tán, nguyên phân trấn Thanh ninh cảnh

          (Tam sơn giáp lưỡng tỉnh, tiền vi Thanh tỉnh, hậu vi Ninh Bình tỉnh, trung phân giới hạn). Khởi phục bàn hồi diệu tú chung. Thiệu Trị nhị niên thập nhị nguyệt cát nhật, Cung nguyên ngự chế thi nhất thủ.

 

Dịch nghĩa:

                Qua đèo Tam Điệp

Đường núi cao chót vót gập gềnh cây cối xanh tốt

Từng bước trên con đường quanh co như khúc rồng

Nếu không phải con đường đi lại của những kẻ săn bắt

Trông ra tưởng là chỉ có một ngọn núi ở trước mặt

Trèo lên cao thì mới thấy nhiều núi trùng điệp

Núi liên tiếp nhau chia đất thành hai tỉnh Thanh hoá Ninh Bình.

(Ba ngọn núi giáp hai tỉnh, phía trước là Thanh Hoá, phía sau là Ninh Bình, giữa phân giới hạn.      Núi cao núi thấp quanh co vô cùng là khéo và đẹp. Ngày lành tháng 12 năm Thiệu Trị thứ hai (1842). Kính cẩn chạm khắc.

Dịch thơ:

                            Qua đèo Tam Điệp

                   Đường đi đèo núi lượn vòng cong

                   Bậc bậc noi theo tựa khúc rồng

                   Há như Vương Ôc* không đường tắt

                   Còn giúp La Phù** tỏ lối thông

                   Xa ngắm tưởng là lên một đỉnh

                   Vin trèo lại thấy núi non chồng

                   Ninh Binh Thanh Hoá nơi giao giới

                   Cao thấp chầu lên đẹp lạ lùng.

                                      Bản dịch của Lê Xuân Quang

Ngoài các tác giả trên còn có các nhà thơ nổi tiếng như  Ngô Thì Sĩ, Ninh Tốn, Lê Hữu Trác, Đoàn Nguyên Tuấn, Nguyễn Khuyến... cũng đã để lại cho vùng đất Tam Điệp những bài thơ còn sống mãi với thời gian. Từ sau Cách mạng tháng Tám thành công đến nay đã có khá nhiều tác phẩm văn thơ nhạc kịch ca ngợi cảnh đẹp và truyền thống lịch sử của vùng đất Đồng Giao Tam Điệp.

 Từ thời xa xưa đến những năm trước khi hoà bình lập lại ở miền Bắc (1954) vùng đất Tam Điệp luôn chứa nhiều câu chuyện rùng rợn. Nào là hổ báo hùm beo, nào là giết người cướp của, nào là ma thiêng nước độc nên khách bộ hành không dám đi lại một mình mà phải nán lại ở Gềnh để mộ thêm khách vãng lai thành một đoàn khá đông rồi mới vượt rừng vượt núi đi về phía Nam. Đi đến đâu họ lập đền thờ đến đấy. Chính vì thế mà ở vùng này có nhiều đền thờ đến thế: Đồi Dài, Quán Cháo, Đền Dâu, Đền Rồng, Chín Giếng.

          Theo truyền thuyết còn lưu lại đến ngày nay thì xưa ở vùng đất này, nghề trồng dâu nuôi tằm của nhân dân ta đã phát triển rất mạnh. Ngôi Đền Dâu ở ải Cửu Chân cũng như ngôi Chùa Dâu ở thành Luy Lâu, tỉnh Bắc Ninh đều được xây dựng từ thời thuộc Hán. Qua binh lửa chiến tranh tàn phá, vùng ải Cửu Chân không còn người ở thì những cánh đồng dâu, gai cũng biến mất. Nhưng ngôi đền thiêng nằm giữa cánh đồng dâu (Tang dã linh từ) vẫn gắn liền với đất đai địa phương do các vị bô lão thuộc thôn Lý Nhân, xã Yên Bình, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình trông coi và quản lí. Mỗi khi đất nước trở lại thanh bình yên ổn, người ta lại dựng lại ngôi đền. Và cứ thế, sau nhiều lần mất đi, nhiều lần dựng lại, ngôi đền vẫn tồn tại đến ngày nay. Đền Dâu ở phường Nam Sơn được thờ ba vị nữ thần trông coi việc tằm tơ canh cửi mà nhân dân ta thường gọi là đền thờ ba vị thánh mẫu là: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải. Trong đó  công chúa Liễu Hạnh là một trong những vị thần "tứ bất tử" của truyền thuyết nước ta. Trong đền có bức đại tự "Từ linh dã tang" (Đền thiêng giữa cánh đồng dâu) và rất nhiều câu đối uyên thâm. Xin trích dẫn 2 câu:

      1) Phiên âm:     Lục dã tang ma miêu thực ấm

                             Thuý vi cung khuyết bản thừa ân.

          Dịch nghĩa:  Nương bóng ấm dâu gai xanh ngắt

                             Nhớ ơn xưa cung khuyết Thuý Vi.

     2) Phiên âm:     Hoàn bôi hữu thanh y đế khuyết

                             Tang điền bất biến tập thiên hương.

         Dịch nghĩa:   Vang tiếng ngọc đeo nương cửa khuyết

                             Nương dâu còn mãi ngát trời hương.

                                               

-----***-----                               

  *Vua Thiệu Trị ví đèo Tam Điệp hiểm trở như núi Vương Ốc, một ngọn núi rất cao, rộng hàng mấy trăm dặm, không có đường đi lại nằm về phía nam Kỳ Châu, Trung Quốc.

** Làng La Phù nay thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; nằm phía tây nam, cách Tam Điệp khoảng 10 cây số là nơi Tràn Ngỗi, nhà hậu Trần lên ngôi. Nơi đây hiện còn lăng miếu của Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng.

 

  • Từ khóa :
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

 
 

UBND Phường Nam Sơn - Thành Phố Tam Điệp

Địa chỉ: Ngõ 1260, đường Quang Trung, tổ 9 phường Nam Sơn

Điện thoại: 02293 864 127